Mảnh đạn trong người

Bao nhiêu mảnh đạn gắp rồi
Vẫn còn một mảnh trong người lạ thay
Nắng mưa qua bấy nhiêu ngày
Nó nằm trong tuỹ xương này lặng câm…

Thời khói lửa đã lui dần
Tấm huân chương cũng đã dần nhạt phai
Chiến trường thay đổi sớm mai
Việt Nam nở rộ tượng đài vinh quang.

Thẳng hang bia mộ nghĩa trang
Tên đồng đội với thời gian nhạt nhoà
Muốn nguôi quên lãng xót xa
Hát cùng dân tộc bài ca thanh bình

Thế nhưng trong tuỷ xương mình
Vẫn còn mảnh đạn cố tình vẹn nguyên
Nằm hoài nó chẳng nguôi quên
Những ngày trở tiết những đêm chuyển mùa

Đã qua điều trị ngày xưa
Nó chai lỳ với nắng mưa tháng ngày
Hoà bình đất nước đổi thay
Đêm dài thức trắng, đau này buồn ghê

Khi lên bàn tiệc hả hê
Người đời uống cả lời thề chiến tranh
Mới hay cuộc sống yên lành
Vẫn còn mảnh đạn hoành hành đời ta.

Hoàng Trung Trực
DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH
NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC

Nhớ bạn

Ngỡ như bạn vẫn đâu đây
Khói hương bảng lãng đất này bình yên
Tình đời đâu dễ nguôi quên
Những dòng máu thắm viết nên sử vàng

Trời xanh mây trắng thu sang
Mình ta đứng giữa nghĩa trang ban chiều
Nhớ bao đồng đội thương yêu
Đã nằm lòng đất thấm nhiều máu xương

Xông pha trên các chiến trường
Chiều nay ta đến thắp hương bạn mình

Hoàng Trung Trực

DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH
NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC


Viếng mộ cha mẹ


Hoàng Trung Trực

Dưới lớp đất này là mẹ là cha
Là khởi phát đời con từ bé bỏng
Là lời mẹ ru dịu dàng cánh võng
Là binh nghiệp cha một thuở đau đời

Hành trang cho con đi bốn phương trời
Là nghĩa khí của cha, là nhân từ của mẹ
Vẫn bầu sữa tinh thần không ngừng không nghỉ
Để hành trang cho con đi tiếp cuộc đời

Cuộc đời con bươn chãi bốn phương trời
Nay về lại nơi cội nguồn sinh trưởng
Dâng nén hương mà lòng hồi tưởng
Thuở thiếu thời dưới lồng cánh mẹ cha

“Ước hẹn anh em một lời nguyền
Thù nhà đâu sá kể truân chiên
Bao giờ đền được ơn trung hiếu
Suối vàng nhắm mắt mới nằm yên”.

DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH
NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC

Dấu chân người lính

“Dấu chân người lính” thơ Hoàng Trung Trực ghi lại kỹ niệm một thời của người lính chấp nhận sự hi sinh thân mình cho độc lập tự do và thống nhất của Tổ Quốc. Trang thơ gắn với sự thân thiết của nhiều đồng đội đã ngã xuống, sự đau đời mảnh đạn trong người và sự mẫu mực thầm lặng, ung dung đời thường của người con trung hiếu sau chiến tranh.

Hoàng Trung Trực sinh ngày 26 tháng 2 năm 1944 tại xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, là đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam thời chống Mỹ, thương binh bậc 2/4, hiện đã nghĩ hưu từ tháng 11/1991 tại số nhà 28/8/25 đường Lương Thế Vinh , phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh. Ông sinh ra và lớn lên trong thời điểm của hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm dài nhất, ác liệt nhất trong lịch sử dân tộc. Ông đã trở thành người lính trưởng thành trong lửa đạn, chỉ huy từ tiểu đội đến sư đoàn binh chủng hợp thành, trãi qua các chiến dịch giải phóng nước bạn Lào 10/1963- 5/1965, đường 9 Khe Sanh Quảng Trị 6/1965 -12/1967, Mậu Thân ở Thừa Thiên Huế 1/1968 – 12/1970, đường 9 Nam Lào 1/1971-4/1971, thành cổ Quảng Trị 5/1972-11/1973; các chiến dịch Phước Long, Chơn Thành, Dầu Tiếng, Xuân Lộc và chiến dịch Hồ Chí Minh 12/1973-4/1975; các chiến dịch giúp nước bạn Cămpuchia 5/1977-12/1985. Ông đã qua Học viện Lục Quân Đà Lạt, Học viện Quân sự Cao cấp Khóa 1 ở Hà Nội, Chủ tịch Quân quản Quận 10, Quận 11 thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tư lệnh Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo.Ông có vợ là bà Trần Thị Hương Du làm ở Ngân hàng với hai con  Hoàng Thế Tuấn kỹ sư bách khoa điện tử viễn thông và Hoàng Thế Toàn bác sỹ.

Tập thơ “Dấu chân người lính” ghi lại kỹ niệm một thời của người lính dấn thân trong lửa đạn, chấp nhận sự hi sinh thân mình cho độc lập tự do và thống nhất của Tổ Quốc. Trang thơ gắn với sự thân thiết của nhiều đồng đội đã ngã xuống, sự đau đời mảnh đạn trong người và sự mẫu mực thầm lặng, ung dung đời thường của người con trung hiếu sau chiến tranh. Một số bái  Viếng mộ cha mẹ, Mảnh đạn trong người, Nhớ bạn, Bền chí, Hát ru con,  Thung dung rèn luyện, Trò chuyện với Thiền sư, … vui được lần lượt hiến tặng bạn đọc

DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH
NGỌC PHƯƠNG NAM  DẠY VÀ HỌC